Aditi Ashok: “Tôi ước mình có huy chương”
Dù mang đến màn trình diễn đáng nhớ và hay nhất từ trước đến nay của golf Ấn Độ nhưng Ashok không thật sự vui mừng vì vắng bóng tấm huy chương.
Khép lại Olympic Tokyo 2020, Ashok là cái tên đáng nhớ và gây bất ngờ nhất ở nội dung golf nữ tại sân Đông Kasumigaseki. Qua ba vòng đầu, Ashok đứng ít nhất T2 nhưng rồi xếp hạng bốn chung cuộc khi chốt trận cuối 68 gậy và đạt điểm -15, kém hai gậy với golfer Mỹ đoạt HC vàng Nelly Korda.
“Tôi nghĩ mình đã dành hết 100% sức lực nhưng vâng, xếp thứ tư Thế vận hội, nơi họ chỉ trao ba tấm huy chương. Ở bất kỳ giải đấu nào khác, tôi sẽ rất vui với kết quả này nhưng thật khó khi đó là Olympic”, Ashok cho biết.
Tay golf 23 tuổi không hoàn toàn hài lòng với phong độ ngày hạ màn hôm 7/8, dù ghi được năm birdie và chỉ hai bogey. “Tôi đã lỡ rất nhiều fairway. Nửa đầu sân, tôi chỉ đánh trúng một và chín hố sau, tôi nghĩ mình phải cố gắng trúng ba trong bốn lần thử nữa. Hôm ấy thật tệ khiến tôi mất vị trí. Tôi không thể đến gần cờ”. Đây là một phần hệ quả sau lần Ashok nhiễm Covid-19 vào tháng 5. Vốn đã thua thiệt về khoảng cách phát bóng với các đối thủ, cô còn mất khoảng 15 yard so với mức trung bình cá nhân, đứng áp chót về chỉ số cú đầu hố trong 60 golfer nữ tranh tài.
Tuy nhiên, Ashok cũng hy vọng phần thể hiện của cô ở Tokyo 2020 sẽ tạo nên nguồn cảm hứng và sự quan tâm chưa từng có với bộ môn golf tại quê nhà, trong bối cảnh cricket là môn thể thao vua ở Ấn Độ.
“Tôi ước mình có một tấm huy chương nhưng mong mọi người vẫn vui vẻ. Khi vào vòng trong, tôi không tập trung và nghĩ quá nhiều về những người đang theo dõi mình trên TV. Chỉ cần kết thúc càng cao càng tốt, ngay cả khi không lên bục nhận thưởng, nó cũng có thể mang lại nhiều sự hỗ trợ hơn cho môn thể thao này, với nhiều em nhỏ đến với golf hơn. Điều đó giúp golf phát triển”, Ashok bày tỏ. 5 năm trước ở Rio, khi golf góp mặt lại tại Olympic sau 112 năm vắng bóng, cô có mặt trong top 10 hai ngày đầu trước khi cán đích T41.
“Khi bắt đầu chơi golf, tôi chưa bao giờ mơ đến ngày tranh tài Thế vận hội. Golf lúc đó thậm chí không phải là môn thể thao Olympic. Bạn chỉ cần chọn nó, tập luyện chăm chỉ và vui vẻ mỗi ngày. Và rồi lúc nào đó, bạn đến được đây”, Ashok nói thêm.
Trước Tokyo 2020, Ashok cũng sở hữu một loạt kỷ lục cá nhân của golf Ấn Độ: Năm 2013, là golfer bản xứ đầu tiên và duy nhất tham gia Đại hội Thể thao Nam Á (South Asian Games) và tiếp tục lặp lại tại Thế vận hội Trẻ (Youth Olympic Games), Asian Games 2014; Người trẻ nhất vô địch trường đấu loại Ladies European Tour (LET Qualifying School), golfer Ấn đầu tiên đăng quang LET với chiến thắng Hero Women’s Indian Open 2016 và thêm cúp Qatar Ladies Open ngay tuần kế tiếp. Một năm sau, cô đoạt danh hiệu thứ ba – Fatima Bint Mubarak Ladies Open ở Abu Dhabi. Bên cạnh đó, Ashok có 18 lần dự major, nhiều hơn bất kỳ golfer Ấn nào cả nam và nữ.
Ashok chưa thay đổi ngay nền golf Ấn nhưng bước đầu đã mang đến những tín hiệu tích cực. Nhiều người tại quốc gia 1,4 tỷ dân đã thức dậy từ 4 giờ sáng để theo dõi và cổ vũ Ashok thi đấu, dù trước đó chưa từng biết khái niệm và tiếp cận môn thể thao này.
“Lượt người theo dõi mạng xã hội của tôi bùng nổ chỉ trong một đêm. Tôi chưa bao giờ nghĩ Olympic có thể ảnh hưởng đến golf ở Ấn Độ nhiều như vậy”, Ashok nhớ lại trải nghiệm Thế vận hội.
Qua Twitter, Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ đã gửi lời chúc mừng, ca ngợi thành tích của cô gái mới 23 tuổi. Trên mạng xã hội Ấn cũng tràn ngập lời khen và hy vọng Ashok tiếp tục vững bước.
Trong khi đó, đồng đội Diksha Dagar (về T50 Olympic Tokyo) khẳng định phần thể hiện vừa qua của Ashok sẽ truyền cảm hứng và khuyến khích nhiều cô gái trẻ chơi golf hơn. Đồng hương Smriti Mehra thì ca ngợi nỗ lực “đáng kinh ngạc” của Ashok và cho biết thành tích có một không hai đó sẽ mang lại sự thay đổi to lớn cho golf nữ Ấn Độ trong tương lai.
“Khó có thể so sánh thành tích của Ashok bởi cô ấy làm được điều chưa ai đạt được. Ashok đã khiến một tỷ người Ấn Độ thức dậy lúc 5 giờ sáng để xem những đấu thủ nữ chơi golf”, Mehra nhận xét. Đấu thủ sinh năm 1972 này được công nhận là người tiên phong và trụ cột của golf nữ bản xứ, là golfer Ấn đầu tiên giành thẻ LPGA Tour vào năm 1996.
Thanh Bình
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!